Năm vấn đề từ vụ cháy quán karaoke 32 người chết

https://vnexpress.net/nam-van-de-tu-vu-chay-quan-karaoke-4508685.html

Nhận xét

  1. 'Không đi hát' hay 'cấm karaoke' chỉ là những giải pháp tồi tệ để đối phó với hỏa hoạn.

    Từ những vụ cháy quán karaoke gây thiệt hại lớn về người, tôi thấy có những vấn đề sau:

    Thứ nhất: Sự nguy hiểm đến từ những ngôi nhà ống cao tầng được cải tạo, tận dụng làm quán karaoke. Mặt tiền phía trước là những bảng hiệu hoành tráng. Kết cấu phức tạp này cản trở lực lượng chữa cháy.

    Thứ hai: Kết luận của cơ quan chức năng sau mỗi vụ hỏa hoạn quán karaoke thường là do "chập điện". Dễ nhìn thì thấy quán nào cũng trang trí đèn LED um tùm như tôi đã nói ở trên.

    Ái ngại thay, đội ngũ thi công bảng hiệu, đi đường dây điện này thường là những thợ tay ngang. Họ làm việc ở những tiệm này vài tháng, một năm với vị trí học việc, sau đó lên thợ. Sự hiểu biết, tỉ mỉ thường không có. Tôi từng hoảng sợ khi thấy một thợ làm bảng hiệu, phía dưới là những vật liệu dễ cháy nhưng lúc hàn xì, hàn điện không có bất cứ một sự che chắn tia lửa điện xẹt nào. Đã vậy, họ còn vô tư hút thuốc.

    Thứ ba: Vật liệu mút xốp của quán thường dễ cháy, độ dẫn lửa rất nhanh và khói tỏa ra mù mịt. Khách choáng, chết ngộp trước khi chết cháy.

    Thứ tư: Nếu có đường thoát hiểm, liệu nhân viên quán có bình tĩnh hướng dẫn khách? Và liệu những vị khách có đủ tỉnh táo để thoát thân hay không? Thông thường, karaoke được xem là "tăng hai". Bởi vì "tăng một" trước đó ở quán nhậu. Có nghĩa là khách đã ngà ngà say, đến quán karaoke lại dùng bia, rượu tiếp, thì lúc có sự cố sẽ không thể phán đoán và xử lý như một người tỉnh táo được.

    Thứ năm: Thời gian đầu khi lửa bốc lên được xem là "thời gian vàng" để báo động cho mọi người. Nhưng giữa tiếng nhạc xập xình, lại thêm cách âm phòng hát thì lời cảnh báo nào đến được?

    Trong quán cà phê tôi hay ngồi, chủ đề thảo luận của nhiều khách ngồi cùng là vụ cháy quán karaoke ở Thuận An, Bình Dương làm 33 người chết. Thật thảm khốc. "32 người chết rồi", "buổi sáng 7 người, trước khi tan làm đọc báo thấy 23, bây giờ lên 32 rồi sao". Mọi người bàn luận rất nhiều về vụ cháy thảm khốc này.

    Nhiều người bảo: "thôi từ nay không đi karaoke quán nữa", "đúng rồi, mấy quán karaoke bây giờ làm bảng hiệu um tùm, bắt mắt, trang trí đèn LED um tùm nhìn rất sợ", một người nói chêm vào.

    Thế nhưng, theo tôi, "không đi quán karaoke", không thể được xem là giải pháp để "phòng ngừa hỏa hoạn". Bản thân tôi bị hội chứng sợ không gian hẹp. Tôi rất sợ khi mỗi lần vào phòng hát karaoke, mức sợ tăng lên khi ánh đèn mờ mờ ảo ảo, chớp tắt liên tục.

    Thế nhưng vì công việc, vì chung vui với bạn bè, tôi cũng vài lần bấm bụng vào quán karaoke và đi kèm nỗi sợ như thế. Người xưa có câu: "Là phúc thì không phải là họa, là họa thì không thể tránh khỏi". Thử hỏi, nếu mười lần từ chối không đi hát ở quán nhưng chỉ một lần góp vui mà xảy ra cháy, thì như thế nào?

    Cũng có người dõng dạc đề xuất: "Nên cấm kinh doanh karaoke". Tư duy không quản được thì cấm một lần nữa lại được đem ra làm tấm khiên, che đậy cho sự bất lực (hay không muốn làm tới nơi, tới chốn).

    Chẳng phải mọi người cũng thường phàn nàn hàng xóm karaoke ồn ào, chỉ trích họ: "Sao không đi quán mà hát, hát hò ở nhà làm phiền người khác" đó sao?

    Trùng Dương
    Theo: VnExpress

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

XEM THÊM 🔽

Cô gái khỏa thân ngoài đường, tạo dáng cho nhóm người chụp ảnh ở Bình Dương

Nổ lớn ở tầng hầm chung cư tại Bình Dương, ít nhất 3 người bị thương

Trị vong nhập, người đàn ông ở Bình Dương bị phạt 17,5 triệu đồng

Cảnh sát giao thông Bình Dương ghi hình xử phạt ô tô lấn làn xe máy

Tìm thấy thi thể nạn nhân bị nước cuốn mất tích trong cơn mưa ở Bình Dương